Táo bón khi mang thai là tình trạng phổ biến của các mẹ bầu. Tỉ lệ mẹ bầu bị táo bón có thể chiếm đến 38%, tức là cứ 10 người thì có đến 4 người mắc táo bón. Tình trạng này kéo dài gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi. Cùng tìm hiểu những nguy hiểm mà táo bón gây ra trong thai kỳ mà có thể bạn chưa biết qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
1. Táo bón khi mang thai do đâu và thường xảy ra vào thời điểm nào?
Các nguyên nhân chính
Có 6 nguyên nhân chính gây ra táo bón khi mang thai:
- Do hormone thai kỳ là progesterone được sinh ra làm giảm nhu động ruột;
- Sự phát triển của thai nhi gây chèn ép làm mẹ khó đi đại tiện hơn;
- Chế độ ăn không đủ chất xơ, uống quá ít nước;
- Bổ sung sắt và canxi quá lượng cần thiết;
- Giảm vận động làm giảm nhu động ruột, cơ thành bụng yếu;
- Yếu tố khác: Stress, dùng thuốc nhuận tràng liều cao làm mất phản xạ đại tiện, người tiểu đường, thói quen nhịn đi vệ sinh…
Thời điểm dễ làm táo bón nặng nề hơn
Táo bón khi mang thai là vấn đề khá phổ biến với các mẹ bầu. Mẹ bầu có thể đã bị táo bón trước đó hoặc quá trình mang thai sẽ làm nặng thêm triệu chứng táo bón. Tình trạng này xảy ra sớm từ tuần thứ 12 của thai kì và nặng hơn trong 3 tháng cuối thai kì. Kích thước và trọng lượng thai nhi tăng làm tăng áp lực lên trực tràng làm chậm quá trình đào thải phân.
2. Nguy hiểm của táo bón với mẹ bầu
Táo bón khi mang thai đem đến nhiều bất tiện cho mẹ khi đi tiêu, mặc dù không gây ảnh hưởng lớn nhưng nếu kéo dài thì lại là vấn đề rất đáng lo.
Việc rặn mạnh khi đi đại tiện trong thời gian dài khiến mẹ bầu dễ đi ngoài ra máu, trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng.. Đặc biệt, khi mẹ bầu rặn mạnh có thể gây tác động dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non. Điều này ảnh hưởng tâm lý của mẹ bầu dẫn đến sợ đi ngoài, căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, chán ăn gây suy kiệt cơ thể.
Táo bón khi mang thai còn làm tích tụ phân lâu trong ruột khiến cơ thể tái hấp thụ lại các chất độc như: Phenol, indol, amoniac…Khối phân quá lớn có thể gây nên tắc ruột, đau bụng vùng tiểu khung
3. Nguy hiểm của táo bón thai kỳ lên thai nhi
Táo bón khi mang thai làm mẹ mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn khiến cơ thể không nạp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con. Điều này ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thai nhi khiến bé sinh ra thấp bé, còi cọc, giảm sức đề kháng.
Bên cạnh đó, việc phân bị tích tụ trong cơ thể như đã nói ở trên cũng làm tái hấp thu các chất độc vào cơ thể thai nhi khiến con dễ bị nhiễm độc từ trong bào thai.
4. Biện pháp xử lý táo bón khi mang thai
Táo bón khi mang thai có liên quan mật thiết tới chất lượng cuộc sống và sức khoẻ của cả mẹ lẫn con. Vì vậy, việc xử lý dứt điểm táo bón là rất quan trọng trong thời kì này. Có nhiều phương pháp điều trị từ dùng thuốc đến không dùng thuốc như:
Điều trị không dùng thuốc
Để cải thiện tình trạng táo bón khi mang thai, ưu tiên đầu tiên cho mẹ bầu là thay đổi lối sống:
- Xây dựng chế độ ăn cân bằng bổ sung nhiều nước và chất xơ, probiotic cho cơ thể như: rau xanh, hoa quả, sữa chua, ngũ cốc, chế phẩm cung cấp chất xơ.
- Uống nhiều nước, tránh các chất kích thích như rượu, bia, caffein;
- Tăng cường vận động nhẹ nhàng như thể dục, tập yoga, đi bộ;
- Luyện tập thói quen đi tiêu hằng ngày:1 lần/ngày.
Điều trị dùng thuốc
Sử dụng thuốc điều trị táo bón khi mang thai:
- Nhóm thuốc ưu tiên sử dụng: Nhuận tràng tạo khối (nhuận tràng cơ học), nhuận tràng thẩm thấu.
- Nhóm thuốc không nên sử dụng nhiều: Nhuận tràng làm trơn, nhuận tràng làm mềm phân
- Nhóm thuốc chống chỉ định: Nhuận tràng kích thích (bisacodyl, picosulfate..) do làm tăng co bóp tử cung gây sảy thai hoặc sinh non.
Lưu ý với các nhóm thuốc điều trị táo bón khi mang thai này là không nên tự ý sử dụng. Việc lạm dụng thuốc khiến táo bón rơi vào vòng luẩn quẩn: hết táo bón nhưng lại mất phản xạ đại tiện và lại táo bón lại. Khi dùng thuốc, mẹ bầu cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ và phối hợp với thay đổi lối sống để hiệu quả đạt tối đa.